Sáng 29/8, Đoàn Thanh niên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam phối hợp với Hội Dầu khí Việt Nam tổ chức chương trình Giáo dục truyền thống lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam cho đoàn viên thanh niên Công ty Mẹ và các đơn vị thành viên trên địa bàn Hà Nội.
Đây là chương trình cuối cùng được tổ chức sau khi các cụm như Quảng Ngãi, TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cà Mau đã tổ chức các buổi nói chuyện về lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam.
Ông Ngô Thường San, nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam; ông Hồ Sỹ Thoảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Hội Dầu khí Việt Nam; ông Nguyễn Đăng Liệu, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Dầu khí Việt Nam; ông Nguyễn Hiệp, nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội Dầu khí Việt Nam; ông Nguyễn Huy Quý, Chánh văn phòng, Tổng Thư kí Hội Dầu khí Việt Nam trực tiếp đứng lớp truyền giảng cho hơn 100 đoàn viên thanh niên.
Ông Hồ Sỹ Thoảng, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Dầu khí Việt Nam giảng bài về lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam thời kỳ 1990 - 2006
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã phối hợp với Hội khoa học Lịch sử Việt Nam và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật xuất bản bộ sách “Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam” đến năm 2010. Bộ sách gồm 3 tập được trình bày thành 5 phần với 16 chương. Tập 1 là những hoạt động và tổ chức dầu khí đầu tiên ở Việt Nam, Tổng cục Dầu mỏ và Khí đốt Việt Nam (1975-1990). Tập 2 giới thiệu về Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (1990-2006). Tập 3 giới thiệu về Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (2006-2010).
Ông Nguyễn Hiệp, nguyên Phó tổng giám đốc Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đã khái quát lại quá trình hình thành các tổ chức dầu khí đầu tiên ở Việt Nam trước năm 1975. Ngày 27/11/1961, Đoàn thăm dò Dầu lửa 36 ra đời, đánh dấu sự hiện diện của một tổ chức thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm thăm dò dầu khí ở miền Bắc Việt Nam và sau khi thống nhất đất nước sẽ mở rộng tìm kiếm thăm dò dầu khí ở khu vực thềm lục địa phía Nam Việt Nam.
Trước đó, kết quả tìm kiếm dầu khí ở Việt Nam của người Pháp (1910 – 1954) rất hạn chế.
Các đoàn viên thanh niên nghe giảng và hỏi đáp các thắc mắc về ngành Dầu khí.
Điểm nổi bật nhất trong tìm kiếm thăm dò dầu khí ở giai đoạn đất nước còn chiến tranh là năm 1973, phát hiện dòng khí đầu tiên ở giếng khoan 61 (Thái Bình). Tuy trữ lượng không cao, nhưng đã đánh dấu mốc son trong suốt mấy chục năm tìm dầu khí trong mưa bom bão đạn.
Trong giai đoạn sau khi đất nước thống nhất đến năm 1990 là thời kỳ ngành Dầu khí đạt được những thành tựu vẻ vang nhất. Ngày 19/6/1981, Hiệp định Liên doanh Việt – Xô chính thức được ký kết. Trong những năm cuối thập kỷ 80 và đầu thập kỷ 90, hàng loạt các mỏ dầu khí lớn như Bạch Hổ, Đại Hùng, Rồng được đưa vào khai thác. Sản lượng dầu thô tăng lên nhanh chóng: năm 1986 khai thác được 40 nghìn tấn, năm 1987: 280 nghìn tấn, năm 1988: 680 nghìn tấn. Cuối năm 1988, tấn dầu thứ 1 triệu được khai thác.
Bên cạnh đó, các nguyên lãnh đạo ngành Dầu khí còn trả lời một số câu hỏi của các đoàn viên về truyền thống, văn hóa, và những mốc son phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Quốc Thịnh, Bí thư Đoàn Thanh niên Tập đoàn cho biết: Những lớp học giới thiệu về lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam sẽ là dịp để thanh niên Tập đoàn hiểu biết hơn về quá trình xây dựng và trưởng thành của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam hiện nay. Qua đây, thanh niên Dầu khí sẽ xây dựng văn hóa doanh nghiệp Dầu khí thêm giàu bản sắc.
Đức Chính