PETROSETCO: Vững vàng và quyết tâm hơn
PETROSETCO bước sang tuổi mới, tuổi 24 với những thách thức và khó khăn vẫn đang hiện diện phía trước buộc tập thể CBCNV phải mạnh mẽ và quyết tâm hơn nữa trong việc tìm kiếm con đường mới đúng đắn để bước tiếp...
Chủ tịch HĐQT PETROSETCO Phùng Tuấn Hà có nói rằng, trong cơn “bão lốc” của ngành Dầu khí mấy năm qua với những khó khăn, khủng hoảng ở nhiều mặt thì khi mọi người nhìn về PET lại ví đây như là một “ốc đảo thanh bình”!
Ở khía cạnh tích cực, sự nhìn nhận đó được thấy rõ ràng nhất từ kết quả sản xuất kinh doanh mà đơn vị đã đạt được trong những năm vừa qua, đó là luôn đạt và vượt mức kế hoạch đề ra, mặc dù bản thân PET cũng vẫn luôn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Các chỉ số gần đây nhất là năm 2018, Petrosetco đã đạt được 11,092 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận trước thuế đạt 183 tỷ đồng, vượt kế hoạch lần lượt là 23% và 2%.
Ở một góc nhìn khác, theo ông Phùng Tuấn Hà, thì sự "thanh bình" đó lại có được từ chính sự quen thuộc của PET với những sự khó khăn thường trực - giống như một “đặc sản” mà PET luôn phải gánh, nhận và rồi đã "chung sống" bao năm với nó; chỉ khác rằng trong vài năm gần đây, cái khó khăn ấy đã trở nên hiện hữu một cách đậm nét và toàn diện hơn.
Bức tranh thị trường của PET những năm qua có thể được tóm gọn qua 2 mảng chính như sau: Về thị trường trong ngành, tình hình khó khăn chung của cả Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã dẫn tới sự khó khăn nan giải cho các đơn vị làm dịch vụ khi không có thêm được các dự án mới, từ đó hoạt động cung cấp dịch vụ dầu khí bị sụt giảm thê thảm; đối với thị trường ngoài ngành, chủ yếu là dịch vụ cung cấp thiết bị điện tử, viễn thông thì sự phát triển như vũ bão của những chuỗi bán lẻ phát triển thời gian qua cũng đã đẩy các đơn vị phân phối như PET rơi vào tình thế vô cùng khó khăn.
Như vậy trong mấy năm qua, PET đã phải đối mặt với khó khăn kép khi thị trường dịch vụ cả trong và ngoài ngành Dầu khí đều đi xuống.
Tuy nhiên, PET vẫn đứng vững trước sóng gió!
Ông Phùng Tuấn Hà chia sẻ rằng, để đạt được điều này, không hề xuất phát từ sự may mắn hay ưu thế mà thực chất nó có từ bản lĩnh sống, làm việc, đối mặt với môi trường, hoàn cảnh khó khăn của mỗi con người PET trong suốt một chặng đường dài.
“Dù khi hoàn cảnh khó khăn hay ngay cả thời điểm thị trường thuận lợi, con người PET chưa bao giờ được cảm thấy thảnh thơi, chưa bao giờ được tận hưởng sự nghỉ ngơi, và chưa bao giờ được thôi nỗ lực, và chính trong nỗi vất vả thường trực đó, tập thể PET đã tìm thấy sự an yên trước mọi thử thách gian nan. Một sự an yên thực chất lại chính là bản lĩnh là giá trị cốt lõi của nhiều thế hệ lao động PET”, người đứng đầu của PET đã nói như rút ruột như vậy.
Về hướng đi cụ thể, để duy trì sự ổn định trong giai đoạn khó khăn vừa qua, PET phải có “chiêu” của mình; hay như ông Phùng Tuấn Hà nói là: “Trong cái khó, ló cái khôn”.
Thứ nhất, đó là thực hành tiết kiệm chi phí bằng cách rà soát lại tất cả mảng hoạt động, nếu hiệu quả thì đẩy mạnh phát huy, còn khi không hiệu quả thì mạnh dạn cắt bỏ và tìm nguồn thay thế. Với chức năng dịch vụ tổng hợp, PET hoàn toàn có khả năng thích ứng với mọi loại hình kinh doanh mới và đón nhận mọi cơ hội đến từ các đối tác trong và ngoài nước tiềm năng.
Tương tự với nguồn nhân lực, những năm qua PET đã thường xuyên thực hiện rà soát lại từng bộ phận, vị trí... để tiếp tục đào tạo, phát triển, hoặc ngược lại có thể tiến hành hoán đổi, thay thế bởi những nhân sự mới thích hợp hơn. Ở PET hoàn toàn không có khái niệm "vùng cấm".
Ông Phùng Tuấn Hà ví von thế này: doanh nghiệp cũng như cơ thể con người vậy, lúc thấy “không được khỏe” thì phải tiến hành xét nghiệm tổng thể để từ đó biết được cái gì cần bổ sung thì bổ sung, cái nào dư thừa thì hạn chế lại và cái nào cần thay thế phải thay thế. Chính việc rà soát lại toàn bộ “cơ thể” từ hoạt động dịch vụ cho đến con người đã giúp PET điều chỉnh chi phí hợp lý nhất, tiết kiệm nhất và từ đó doanh số và lợi nhuận vẫn đạt được kế hoạch đề ra.
Mặt khác, ngoài những dịch vụ đang làm cho trong ngành, PET còn đẩy mạnh mở rộng ra ngoài ngành để bù đắp lại những phần đã mất đi. Đó là các dịch vụ như quản lý tòa nhà, catering,… là những dịch vụ mà trước kia PET chỉ phục vụ trong ngành Dầu khí thì nay ra ngoài tương đối nhiều và mang lại kết quả tích cực trong thời gian gần đây.
Còn đối với mảng phân phối điện tử, PET không chỉ dừng lại ở việc phân phối điện thoại, máy tính, thiết bị viễn thông mà đã đa dạng hơn, trong đó có cả thiết bị điện gia dụng.
Đặc biệt, ngoài mục tiêu tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh, đa dạng hóa hình thức cung cấp dịch vụ để có thể tận dụng tối đa cơ phối hợp tác với các đối tác trên nhiều lĩnh vực, PET hiện cũng quyết định bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh là hoạt động pháp luật, tư vấn pháp lý, buôn bán phân bón thuốc trừ sâu và hóa chất khác... Hiện hiệu ứng của những ngành nghề kinh doanh mới này có dấu hiệu tích cực và trong vài năm nữa sẽ rõ nét.
“Sau những cố gắng cùng nhau, kết quả là mức thu nhập bình quân của CBCNV trong mấy năm gần đây không giảm, thậm chí là trong một vài đơn vị còn tăng nhẹ”, ông Phùng Tuấn Hà cho biết. Và đó cũng là niềm hạnh phúc của ông!
Ông Hà có nói, với riêng ông và với tập thể lãnh đạo PET nói chung, những con số thành tích không quan trọng bằng việc ngôi nhà lớn PET vẫn đang đứng vững và mọi người lao động trong ngôi nhà đó vẫn có đủ công ăn việc làm, để từ đấy có thể chăm lo được cho ngôi nhà nhỏ của mỗi người.
“Bước sang tuổi mới 24, những thách thức và khó khăn vẫn đang hiện diện phía trước buộc tập thể PET phải mạnh mẽ và quyết tâm hơn nữa. Định hướng của chúng tôi vẫn là tích cực tìm kiếm con đường mới đúng đắn để bước tiếp”, ông Phùng Tuấn Hà chia sẻ.
Theo ông Hà, con đường ấy có thể xa hơn, có thể gập ghềnh hơn nhưng quan trọng là tập thể PET sẽ cùng nhau đi tới đích. Và bản thân là đại diện lãnh đạo cao nhất, Chủ tịch HĐQT Phùng Tuấn Hà cam kết sẽ luôn đồng hành cùng CBCNV vì mái nhà chung PET và mỗi mái nhà riêng - Một người đồng hành tận lực và tận tâm!