Chương trình hành động Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) của PVN (chương trình hành động VSTBPN) 2012-2015 được ban hành vào ngày 22/5/2012 với 4 mục tiêu cụ thể và 12 chỉ tiêu.
Nghiêm Thùy Lan
(Phó chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam)
Dầu khí là ngành có tính đặc thù với trình độ khoa học kỹ thuật cao, công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại, vốn đầu tư lớn, nhưng đồng thời có tính rủi ro cao, các hoạt động dầu khí mang tính quốc tế, các công trình dự án của tập đoàn đều có vốn lớn, công nghệ phức tạp, địa bàn hoạt động rộng khắp trên đất liền, trên biển cũng như trong nước và ngoài nước trên các quốc gia, ở các châu lục trên thế giới.
Trong những năm qua, cùng với sự phát triển lớn mạnh của Tập đoàn, số lượng và chất lượng đội ngũ nữ CNVC-LĐ cũng được tăng lên không ngừng. Tính đến tháng 12/2011, toàn ngành có 16.112 nữ chiếm 26,8% tổng số CBCNV với trình độ trên đại học chiếm 3,1%, đại học chiếm hơn 40%, cao đẳng và trung cấp chiếm 9%. Trong ngành Dầu khí, nhiều nữ làm việc ở những đơn vị, lĩnh vực ngành nghề có tính đặc thù kỹ thuật rất cao. Nhiều nữ CBCNV đã đảm nhận những vị trí công tác khó khăn vất vả mà trước đây chỉ có nam giới làm như công tác trên các giàn khoan ngoài biển khơi, công tác xa nhà, xa tổ quốc, tìm kiếm thăm dò dầu khí ở các nước, trong các lĩnh vực khó như sáng kiến – sáng chế, cải tiến kỹ thuật.
Trong những năm qua, công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đạt được những kết quả rất quan trọng như: Đa số chị em được đảm bảo về việc làm và thu nhập, thực hiện các quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm; Tạo điều kiện bình đẳng cho phụ nữ trong giáo dục đào tạo, nâng cao trình độ về mọi mặt, được tham gia bồi dưỡng đào tạo, chất lượng nguồn lao động nữ của Tập đoàn được nâng; Vị trí vai trò của CBCNV nữ nâng cao, tỉ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý các cấp tăng lên.
Trên cơ sở các kết quả đạt được, trước yêu cầu phát triển của Tập đoàn, trên cơ sở chương trình mục tiêu của chiến lược bình đẳng giới Quốc gia giai đoạn 2011-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành, Chương trình hành động Vì sự tiến bộ phụ nữ (VSTBPN) của PVN (chương trình hành động VSTBPN) 2012-2015 được ban hành vào ngày 22/5/2012 với 4 mục tiêu cụ thể và 12 chỉ tiêu như sau:
Mục tiêu tổng quát
Chương trình hành động nhằm tăng cường công tác vận động nữ CNVC-LĐ, chăm lo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nữ CNVC-LĐ, tăng cường công tác cán bộ nữ, nâng cao hơn nữa vị thế vai trò và đời sống vật chất, tinh thần của đội ngũ lao động nữ, đáp ứng yêu cầu của chiến lược tăng tốc phát triển của Tập đoàn, góp phần xây dựng Tập đoàn phát triển mạnh mẽ và bền vững.
Các mục tiêu cụ thể:
Mục tiêu 1: Tăng cường sự tham gia của nữ CNVC-LĐ vào công tác lãnh đạo quản lý nhằm từng bước giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị.
Tham gia vào lĩnh vực chính trị là thước đo chủ yếu sự tiến bộ của Quốc gia về bình đẳng giới, tăng cường quyền tham gia của phụ nữ vào lãnh đạo quản lý điều hành các cấp
1.1. Các chỉ tiêu chủ yếu:
- Phấn đấu đạt tỉ lệ 25% nữ trong tổng số cán bộ được quy hoạch.
- Phấn đấu tỉ lệ nữ tham gia cấp ủy Tập đoàn là 15%, lãnh đạo Tập đoàn là 20%, lãnh đạo các đơn vị thành viên là 25%.
- Phấn đấu tỉ lệ nữ tham gia BCH Công đoàn, BCH Đoàn Thanh niên các cấp đạt 25-30% trở lên.
- Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có 50% lao động nữ trở lên, tối thiểu có 1 cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ.
Công tác tổ chức nhân sự đào tạo có một vai trò và ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thực hiện được các chỉ tiêu bình đẳng giới và Chương trình hành động VSTBPN trong việc tạo nguồn quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, sử dụng đề bạt cán bộ… qua hệ thống các giải pháp.
1.2. Các giải pháp thực hiện:
1. Tiếp tục triển khai, thực hiện tốt Nghị quyết 782-NQ/TV của Đảng ủy Tập đoàn về tăng cường công tác cán bộ nữ trong tình hình mới.
2. Phát hiện và tạo nguồn cán bộ nữ. Giải pháp quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu vì xây dựng nguồn cán bộ nữ dồi dào, có trình độ, năng lực tạo điều kiện cho việc gia tăng số lượng nữ tham gia vào công tác lãnh đạo quản lý trong Tập đoàn.
3. Chú trọng và tăng cường công tác đào tạo đối với cán bộ nữ. Tạo điều kiện cho cán bộ nữ nâng cao năng lực, trình độ bằng cách tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thường xuyên.
4. Rà soát, sửa đổi các quy định, quy chế, nhằm tạo điều kiện cho nữ khắc phục các hạn chế về giới, có điều kiện tham gia công tác lãnh đạo quản lý.
5. Ưu tiên đề bạt cán bộ nữ nếu có cùng năng lực và trình độ với nam giới.
6. Đưa các chỉ tiêu trên vào nội dung công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội Công đoàn các cấp, đại hội Đoàn Thanh niên các cấp của Tập đoàn.
7. Đưa các chỉ tiêu trên vào công tác quy hoạch cán bộ, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hằng năm của các cấp, các tổ chức chính trị xã hội, đưa vào nội dung, nhiệm vụ công tác của Ban Nữ công, Ban VSTBPN Tập đoàn.
Mục tiêu 2: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ. Nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ và kỹ năng nghề nghiệp cho nữ CNVC-LĐ.
2.1. Các chỉ tiêu chủ yếu:
- Phấn đấu đạt tỉ lệ >55% số lao động nữ có trình độ từ đại học trở lên.
- Phấn đấu đạt tỉ lệ 40% nữ CNVC-LĐ trong tổng số nữ được đào tạo nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ, quản lý, chính trị tay nghề hàng năm.
- 90% cán bộ Ban Nữ công ở cấp trên cơ sở có trình độ đại học, được bồi dưỡng nghiệp vụ.
2.2. Các giải pháp thực hiện:
1. Khảo sát trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề trong nữ CNVC-LĐ để có cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng.
2. Tuyên truyền, giáo dục cho lao động nữ về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề cho người lao động, đồng thời động viên họ vượt qua chính mình, vượt qua những mặc cảm về giới.
3. Tham gia xây dựng các quy chế nội bộ của cơ quan, doanh nghiệp tạo điều kiện về thời gian, chính sách cho cán bộ, CNVC-LĐ học tập nâng cao trình độ, tay nghề.
4. Ưu tiên nữ CNVC-LĐ được cử đi đào tạo nâng cao trình độ. Tạo điều kiện để nữ CNVC-LĐ học tập, nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, đào tạo mới, đào tạo lại đáp ứng yêu cầu của đơn vị, Tập đoàn.
5. Kịp thời biểu dương, tuyên truyền nhân rộng các điển hình tiên tiến của các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào học tập nâng cao trình độ. Động viên khuyến khích nữ CBCNV-LĐ phấn đấu tự học, tự rèn luyện.
Mục tiêu 3: Bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và tuyên truyền, giáo dục.
Mục tiêu 4: Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của các ban vì sự tiến bộ phụ nữ.
Với các giải pháp thúc đẩy hoạt động VSTBPN một hệ thống giải pháp đồng bộ, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hiệu quả hoạt động của các ban VSTBPN, các giải pháp trọng tâm về công tác tổ chức nhân sự và đào tạo như sau:
1. Tập trung đào tạo bồi dưỡng cán bộ nữ, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cho nguồn nhân lực nữ, chú trọng công tác tuyên truyền giáo dục, đào tạo bồi dưỡng nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho các cấp lãnh đạo, toàn thể cán bộ CNVC-LĐ trong toàn Tập đoàn.
2. Quan tâm công tác phát hiện tạo nguồn quy hoạch cán bộ nữ, bồi dưỡng đào tạo, sử dụng… Ban hành một số chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ.
3. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị đối với công tác VSTBPN; Xây dựng và củng cố hệ thống Ban VSTBPN trong toàn ngành, xây dựng chương trình kế hoạch hoạt động, bố trí cán bộ có năng lực trình độ… Tăng cường kinh phí cho công tác VSPTPN.
4. Đẩy mạnh các phong trào phụ nữ và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Nữ công các cấp; Xây dựng tốt cơ chế phối hợp giữa Ban VSTBPN với các phòng, ban, các tổ chức đoàn thể Công đoàn, Đoàn Thanh niên trong Tập đoàn.
Các hệ thống giải pháp trên được tổ chức triển khai đồng bộ, sâu rộng, quyết liệt trong toàn Tập đoàn sẽ đảm bảo thực hiện thành công mục tiêu của chương trình hành động VSTBPN trong giai đoạn 2012-2015 và góp phần thực hiện thành công mục tiêu chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới VSTBPN giai đoạn 2011-2020.
N.T.L